Trong quá trình phát triển tựa game đề tài gián điệp Agent, Rockstar San Diego đi đến một quyết định khá bình thường: họ sẽ gửi một nhóm nhân viên đến Cairo, Ai Cập để chụp những bức hình của thành phố này làm tài liệu tham khảo cho việc làm game. Điều mà họ không ngờ là các nhân viên của mình suýt nữa đã… rục xương trong nhà tù của quốc gia này nếu bị kết án là quay phim 18+, một hành vi phạm tội được quy định trong luật của Ai Cập. Điều gì đã xảy ra trong chuyến đi tưởng chừng hết sức bình thường này?
Một chuyến đi bình thường
Trong quá trình phát triển Agent, Rockstar San Diego quyết định trò chơi của mình sẽ có một thế giới mở mô phỏng Washington D.C, và nhiều nhiệm vụ xảy ra tại các màn chơi tuyến tính lấy bối cảnh các địa danh khác trên khắp thế giới. Một trong số những địa danh đó là Cairo, thủ đô của Ai Cập.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện màn chơi Ai Cập, đội ngũ Rockstar gặp một chướng ngại bất ngờ: trưởng dự án Luis Gigliotti và họa sĩ môi trường Joe Sanabria nhớ lại rằng vì một lý do nào đó, họ không thể tìm được bất kỳ tấm hình nào của Cairo đáng để tham khảo. Việc tìm kiếm các bức ảnh vệ tinh của thành phố để xây dựng bản đồ cũng không đem lại kết quả nào. Vì vậy, Rockstar San Diego quyết định sẽ gửi một nhóm người đến Cairo để chụp hình. Vì đây là đầu những năm 2000, đồ họa máy tính còn rất đơn giản và các tòa nhà đều phẳng lì, nên bạn có thể dùng một tấm hình chụp làm vân bề mặt (texture) của một mô hình mà không gặp bất kỳ vấn đề nào cả.
Agent được công bố tại E3 2009.
Bên cạnh đó, trực tiếp đến Cairo cũng sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian. Theo lời ông Joe Sanabria, dù chuyến đi này sẽ khá tốn kém, nó cũng sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian phát triển và vì thế xứng đáng để đầu tư.
Và thế là bốn người cùng lên đường bay sang Ai Cập: giám đốc nghệ thuật Charles Morrow, trưởng nhóm họa sĩ Darrell Gallagher và hai họa sĩ môi trường là Joe Sanabria và William Kidwell. Khi đến Cairo, họ sẽ thuê tài xế kiêm phiên dịch kiêm hướng dẫn du lịch trong thành phố. Nghe thật dễ dàng.
Trong quá trình tìm kiếm hình ảnh về Cairo trước đó, Joe Sanabria đã đọc được những lời cảnh báo rằng chụp hình nhiều khu vực của Cairo là phạm pháp, và đã có nhiều người bị bắt giữ và tịch thu camera khi vô tình chụp ảnh các cơ quan chính phủ hay nhân viên công quyền. Luật nước này ghi “nghiêm cấm việc chụp hình các cơ sở quân sự hay khu vực xung quanh. Không được chụp các nhân viên chính phủ khi chưa được họ chấp thuận.” Đã có nhiều khách du lịch và nhà báo bị chặn lại, bị bắn hoặc bị bỏ tù vì những hành vi này.
Ông Joe Sanabria nói rằng vào thời điểm đó, mình xem nhẹ những vấn đề này và chỉ tự nhủ rằng “mình sẽ không chụp ảnh các tòa nhà chính phủ, và chúng ta sẽ ok.”
Tại Cairo
Khi đến Cairo, nhóm bốn người nhận phòng tại khách sận InterContinental bên bờ sông Nile, thuê hai chiếc xe tải nhỏ để chia làm hai nhóm và chụp được nhiều khu vực hơn. Họ sẽ chụp rất nhiều hình, gặp nhau vào bữa ăn tối và xem lại các tấm hình đã chụp, bàn bạc xem nên đi đâu kế tiếp vào sáng hôm sau. “Chúng tôi có 2-3 người trong mỗi nhóm, mỗi người một camera và chụp một bên phố,” ông Joe Sanabria nhớ lại. “Người ta trả hàng ngàn USD để được trải nghiệm điều này, còn chúng tôi được đến đây để làm việc.”
Đúng với những lời cảnh báo mà Joe Sanabria đọc được trước đó, nhóm của ông thực sự gặp phải những nghi vấn từ phía cảnh sát Ai Cập. “Một cuộc đụng độ của tôi xảy ra khi chụp hình gần một đường phố chính, và thình lình mật vụ của họ xuất hiện và la hét với tôi, nhưng tôi chẳng hiểu được gì cả. (Người hướng dẫn bản địa) nói rằng họ muốn chúng tôi rút phim khỏi máy và lập tức rời khỏi khu vực.” Chiếc camera mà Joe Sanabria đang sử dụng là một máy kỹ thuật số, vì vậy anh xóa các bức hình đã chụp trước mặt họ.
Một va chạm khác nghiêm trọng hơn xảy ra với một thành viên khác của nhóm thứ hai, khi một sĩ quan Ai Cập chú ý đến việc họ chụp hình và chặn lại để tra hỏi thông qua hướng dẫn viên. Joe Sanabria và Luis Gigliotti nói rằng một trong số các thành viên của nhóm này đã bị kê súng vào mạng sườn nhưng không rõ là ai bởi mỗi người có một đáp án khác nhau, và ba thành viên còn lại trong nhóm không trả lời đề nghị phỏng vấn của GameInformer. Sau cuộc chạm trán này, cảnh sát Ai Cập giữ giấy tờ của người hướng dẫn viên và nói với anh ta rằng “nếu có điều gì xảy ra trong vài tuần tới, bọn tôi biết phải đi tìm ai.”

Trong hai tuần mà nhóm 4 người của Rockstar San Diego hoạt động tại Cairo, họ dành ra 12 đến 16 giờ mỗi ngày đi cùng các hướng dẫn viên. Những hướng dẫn viên này thậm chí còn cố gắng giúp đỡ việc chụp ảnh sao cho cảnh sát không chú ý tới, chẳng hạn “đi tiền trạm” thăm dò xem có cảnh sát hay không và ra hiệu nếu an toàn. Sau một thời gian ngắn, các hướng dẫn viên tiết lộ với những du khách của mình về cách hành xử của cảnh sát tại Cairo, trong đó có cả việc cảnh sát có thể bắt người và thẩm vấn mà không cần chứng cứ.
Điều này thực sự xảy ra sau đó: cảnh sát Ai Cập bắt giữ một hướng dẫn viên kiêm tài xế của cả nhóm và tra hỏi về những gì “những gã người Mỹ khả nghi” đang làm. Sau đó, nhóm nhân viên Rockstar San Diego bị cảnh sát cấm rời khỏi phòng khách sạn của mình. “Tôi nhớ lại mình nghĩ rằng ‘chúng ta đã đẩy mình rơi vào tình trạng gì thế này’,” ông Luis Gigliotti nói.
Căng thẳng leo thang
Một trong số các thành viên của nhóm là Darrell Gallagher phải bay về Mỹ trước vài ngày, và những tình huống xảy ra với chuyến bay của ông khiến cả nhóm hết sức lo ngại. Cụ thể, khi đến sân bay, ông Darrell bị nhà chức trách bắt giữ và đưa vào một phòng kín để hỏi cung. “Họ hoãn chuyến bay và nói rằng ‘chúng tôi nhận được tin báo các anh đến đây để quay phim người lớn. Chúng tôi muốn xem những bức ảnh các anh đã chụp và laptop’.” Tại Ai Cập, việc sở hữu và phân phối phim người lớn là phạm pháp.
Dĩ nhiên là các nhân viên Rockstar không đến Cairo để quay phim người lớn, nhưng vào thời điểm này, những người còn ở lại Cairo hết sức lo ngại vì họ đã chụp đến khoảng 12.000 tấm hình, và nếu lỡ có thứ gì đó bất hợp pháp lọt vào một trong những bức hình đó, có thể họ sẽ phải ở tù.

Không biết phải làm gì trong tình trạng hiện tại, Luis Gigliotti gọi điện cho Đại sứ quán Mỹ nhờ giúp đỡ. Người ở đầu dây bên kia choáng váng khi nghe được những gì đang xảy ra. “Are you guys stupid?” là điều Luis nghe được sau khi trình bày tình huống mà các nhân viên của mình đang gặp phải. Đại sứ quán Mỹ không thể làm được gì nhiều trong tình huống này, bởi các nhân viên Rockstar có phạm pháp hay không thì cũng là chuyện đã rồi. Theo lời người đứng đầu bộ phận an ninh của Đại sứ quán Mỹ tại Cairo, “nếu họ download chỉ một tấm hình bẩn vào một trong những laptop đó, đó là án tử hình.”
Đại bàng cất cánh
Trong những ngày cuối cùng tại Cairo, các nhân viên Rockstar xem lại tất cả mọi bức ảnh và xóa những bức trông đáng ngờ, ghi những gì còn lại vào DVD và gửi chúng về California qua FedEx để chuyến đi của mình không vô ích. Sau đó, họ chuẩn bị cho việc đi ra sân bay, qua bộ phận hải quan, lên máy bay về nhà.
“Tôi đã không ngủ trong hầu hết thời gian ở đó,” ông Joe Sanabria cho biết. “Tôi thức suốt vì đó là một tình huống rất căng thẳng. Chúng tôi biết mình đang cố gắng làm một điều quan trọng và cả nhóm đang trông chờ vào chúng tôi, nhưng đồng thời nó cũng chỉ là một trò chơi, chứ không phải thứ có thể cứu mạng sống.”
Vấn đề cuối cùng mà nhóm nhân viên Rockstar San Diego gặp phải là những bức hình trong laptop của giám đốc nghệ thuật Charles Morrow. Charles mượn chiếc laptop này từ cha mình, và cha của Charles là một… bác sĩ ung thư phụ khoa. Vì vậy, trong chiếc laptop này có hình ảnh của cơ quan sinh dục nữ, dù chúng không phục vụ mục đích 18+. “Charles kiểu như, ‘tôi không thể xóa chúng được, đây là công việc của ông ấy.’ Nhưng Charles cũng rất lo lắng hãi hùng, ‘liệu họ có nghĩ đây là nội dung 18+ hay không?’”

Cả nhóm gần như không ngủ được trong đêm cuối cùng tại Cairo và lên đường đến sân bay trong sự căng thẳng. Kế hoạch của họ là… gần như không có kế hoạch: khi máy bay cất cánh, Joe Sanabria sẽ gọi cho Luis Gigliotti để xác nhận mình đang về nhà, và Luis sẽ báo cho Đại sứ quán Mỹ.
Tại sân bay là quãng thời gian căng thẳng nhất của ba người, bởi họ biết rằng Darrell Gallagher bị hỏi cung trong khi đang chờ máy bay. Ông Sanabria nói rằng họ chờ đợi điều gì đó sẽ xảy ra (hoặc không xảy ra) trong khi tạo ra một khuôn mặt bình tĩnh và cố gắng tỏ ra trấn định.
Cuối cùng, cuộc chờ đợi kết thúc khi ba người được lên máy bay, ngồi vào chỗ, và rồi máy bay cất cánh. Cả nhóm thở phào nhẹ nhõm. Ông Sanabria lập tức rút điện thoại ra khi tiếp viên cho phép, gọi cho Luis Gigliotti và thông báo “đại bàng đã cất cánh.”
“Chúng tôi đều ở văn phòng, cả 45 người đều nhấp nha nhấp nhổm, và điện thoại reo lên,” ông Luis kể lại. “Tôi nhấc máy và anh ấy nói, ‘Chúng tôi đã thoát. Chúng tôi đang trên đường băng, chúng tôi đang cất cánh.’ Mọi người reo hò.”
Sau một buổi nhậu “quắc cần câu” tại Anh để ăn mừng cuộc đào thoát, cả nhóm về đến California an toàn. Không ai biết lý do tại sao nhà chức trách Cairo quyết định bỏ qua cho cả nhóm, nhưng tình huống mà nhóm 4 người gặp phải cũng khiến Rockstar San Diego quyết định hủy bỏ chuyến đi thực địa tương tự đến St. Petersburg, Nga.
Điều càng đáng tiếc hơn là sau những gì mà bộ tứ nhân viên Rockstar San Diego phải trải qua tại Cairo, mọi nỗ lực của họ cuối cùng trở thành vô ích khi Rockstar North tiếp quản dự án Agent, còn Rockstar San Diego chuyển sang phát triển Red Dead Redemption. Agent được công bố vào năm 2009 như một tựa game do Rockstar North phát triển độc quyền cho PS3, nhưng cuối cùng hủy bỏ nó một cách không kèn không trống. Đến năm 2018, Take-Two (công ty mẹ của Rockstar) từ bỏ thương hiệu Agent, dập tắt hi vọng được thấy tựa game này của game thủ thế giới.