Tại buổi lễ trao giải The Game Awards 2020, Game thủ nghiêm túc đã có một bất ngờ thú vị khi thấy sự xuất hiện của Back 4 Blood, một tựa game bắn zombie co-op 4 người được thực hiện bởi Turtle Rock, studio gắn liền với Left 4 Dead ngày nào. Tựa game mới của họ có rất nhiều nét tương đồng với Left 4 Dead ngày xưa, và cái tên đầy ẩn ý của nó cho thấy rằng nhà phát triển này thực sự muốn quay lại chứng minh bản thân trong thể loại bắn súng co-op. Tuy nhiên trong mắt tác giả, cuộc hành trình này sẽ khá gian nan bởi một loạt vấn đề mà họ phải đối mặt.
“Valve chỉ là nhà phát hành Left 4 Dead”?
Đầu tiên, phải nói rằng khác với những gì nhiều anti-fan của Valve tin tưởng, thành công của Left 4 Dead có một phần rất lớn nhờ sự góp mặt của Valve. Ngay từ thuở ban đầu, Valve đã đổ tiền vào việc marketing trò chơi này, từ việc mang nó lên Steam đến chi 10 triệu USD mua quảng cáo trên TV, báo chí, internet lẫn ngoài trời, từ vận hành cuộc thi ảnh “Dude, where’s my thumb” đến hỗ trợ Turtle Rock trong quá trình phát triển.
Linh hồn của Left 4 Dead là AI Director, một hệ thống AI có khả năng thả lũ zombie vào những vị trí khác nhau tùy thuộc vào tình thế, vị trí và trang bị của những người sống sót. Trước Left 4 Dead thì AI Director đã được Valve sử dụng trong Half-Life 2: Episode 2 cho một số trận đọ súng quan trọng, nhưng đây chỉ là một phiên bản đơn giản mà Valve dùng để thử nghiệm ý tưởng của mình. Phải đến tận Left 4 Dead thì AI Director mới trở thành một phần không thể thiếu khi tạo ra những tình huống ngẫu nhiên trong suốt hành trình của người chơi.

Nhờ sự ngẫu nhiên này, game thủ luôn có được trải nghiệm mới mỗi lần bước vào những màn chơi quen thuộc của Left 4 Dead. Ngoài ra nó cũng là thứ chịu trách nhiệm tạo ra bầu không khí tĩnh mịch hoặc hồi hộp cho trò chơi bằng cách sử dụng các hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, nhạc nền, hoặc lời thoại của nhân vật. Đặc biệt, một Director khác chịu trách nhiệm tạo ra các bản mix nhạc theo hành vi của game thủ nhằm giữ cho soundtrack luôn thú vị trong suốt trò chơi, và nó thậm chí còn cho mỗi game thủ trong nhóm được nghe nhạc nền riêng của mình!
Ngoài AI Director, Left 4 Dead còn sử dụng rất nhiều thứ của Valve. Nó chạy trên nền engine Source (bản 2008), các màn chơi được thực hiện nhờ sử dụng công cụ tạo script, mô hình và bản đồ của Valve, cốt truyện của nó do các tác giả kịch bản của Valve thực hiện, lời thoại được ghi bởi các diễn viên của Valve, nhạc nền được biểu diễn bởi dàn nhạc Valve,… Tất cả những điều này xảy ra trước khi Valve mua lại Turtle Rock vào tháng 1/2008 và đổi tên studio thành Valve South ít lâu trước khi Left 4 Dead chính thức ra mắt.

Ở đây, tác giả không muốn nói rằng Valve là nguyên nhân khiến Left 4 Dead ra đời – nếu thay thế Valve bằng những nhà phát hành khác, có thể game sẽ vẫn được hoàn thành nhưng nó sẽ rất khác với những gì chúng ta được biết về trò chơi và chưa chắc hấp dẫn như hiện tại. Tóm lại, những game thủ nói rằng “Left 4 Dead là của Turtle Rock, Valve chỉ biết phát hành” là hoàn toàn sai lầm.
Turtle Rock làm được gì khi rời Valve?
Sau hai năm nằm trong vòng tay Valve dưới tên gọi Valve South, những bất mãn giữa đôi bên dẫn đến việc Valve đóng cửa studio con của mình, giữ lại thương hiệu Left 4 Dead nhưng cho phép đội ngũ Turtle Rock dùng lại tên cũ của mình. Một số thông tin nói rằng trong thời gian này, mâu thuẫn lớn nhất giữa đôi bên là phương thức kiếm tiền qua game: Valve South muốn bán thật nhiều skin và microtransaction, còn Gabe Newell nói không. Tuy nhiên ở đây, tác giả phải nhấn mạnh rằng không có bất kỳ nguồn tin nào xác nhận điều này cả!
Ngày 17/3/2010, Turtle Rock được tái lập bởi những người chịu ra đi khỏi Valve, và lập tức công bố… một ứng dụng iPhone về bảo trì xe hơi có tên Garage Buddy. Dù đã chia tay, Turtle Rock thỉnh thoảng vẫn hợp tác với Valve để làm những nội dung mới cho Left 4 Dead và Left 4 Dead 2 cũng như tham gia vào giai đoạn đầu của quá trình phát triển Counter-Strike: Global Offensive. Nhưng đó là chuyện sau này, còn vào năm 2010, Turtle Rock quyết định mình sẽ quay lại với một ý tưởng khá cũ được lấy cảm hứng từ cả Left 4 Dead lẫn Big Game Hunter: một tựa game PvP nơi con mồi có thể cắn lại thợ săn, và thế là Evolve ra đời.
Dự án Evolve được Turtle Rock đem khoe với nhiều nhà phát hành để tìm kiếm đầu tư, trong đó bao gồm cả Valve. Đại đa số các nhà phát hành này đều nghĩ rằng Turtle Rock quá nhỏ để làm một tựa game AAA như vậy, chỉ có THQ đồng ý bỏ vốn cho Turtle Rock làm tựa game của mình. Cần phải nhắc lại là vào thời điểm này, THQ đã bắt đầu… cạn tiền trước khi chính thức công bố phá sản vào tháng 9/2012. Nhiều tài sản của THQ bị đem ra bán đấu giá trong đó có Evolve. Sau khi THQ phá sản, các lãnh đạo Turtle Rock định mua lại quyền sở hữu Evolve từ THQ với giá 250.000 USD – tất cả những gì họ có trong tài khoản của mình – nhưng Take-Two nhảy vào cuộc và chi 11 triệu USD để mua cả Evolve lẫn những tựa game mang thương hiệu này về sau.
Gameplay của Evolve rất thú vị nếu hai bên ngang tài.
Những gì xảy ra trong quá trình phát triển Evolve không đáng nói tới, mà điều đáng nói ở đây là chất lượng của trò chơi so với tựa game trước của họ là Left 4 Dead. Cá nhân tác giả rất thích ý tưởng PvP bất đối xứng của trò chơi này, và những trận “đấu trùm” nảy lửa xảy ra khi quái vật đã tiến hóa tối đa thực sự trông cực kỳ thú vị. Thế nhưng khá nhiều vấn đề đã khiến trò chơi không thể thành công như kỳ vọng của những người làm ra nó.
Một trong những vấn đề nổi cộm nhất là độ khó của trò chơi. Game được xây dựng trên thể thức 1vs4, và vì thế việc cân bằng trò chơi cho cả game thủ mới làm quen chơi một mình lẫn các nhóm bạn đi săn cùng nhau là bất khả thi. Nếu một trong bốn thợ săn không biết phải làm gì hay cả nhóm không phối hợp tốt, họ sẽ bị con quái vật nghiền nát. Ngược lại, nếu con quái vật không đủ trình độ, nó sẽ bị toán thợ săn biến thành chiến lợi phẩm chỉ sau vài phút ngắn ngủi. Trong những trường hợp này, trò chơi không đem lại trải nghiệm đủ hấp dẫn cho cả hai bên. Không phải game không có những trận chiến cân sức ngang tài và đầy biến cố gay cấn, nhưng cái khó ở đây là lượng người chơi có trình độ không đủ nhiều để nuôi sống Evolve.
Nhiều chuyện rối rắm khác cũng góp phần làm Evolve “chết yểu.” Đại đa số game thủ không cho rằng một tựa game như Evolve xứng đáng với mức giá 60 USD của mình, và họ càng tức giận hơn khi các sếp Turtle Rock quảng bá trò chơi “được thiết kế để bán DLC” và khoe đống DLC giá… 136 USD ngay ngày đầu game ra mắt. Ngay cả khi mua bundle để tiết kiệm chi phí, số tiền game thủ phải chi để sở hữu tất cả nội dung của trò chơi ngay ngày đầu ra mắt lên đến hơn 120 USD. Cộng thêm một phương thức đặt trước cực kỳ lằng nhằng đến mức game thủ phải… làm bảng tính Excel để giúp nhau hiểu những trò ma mãnh rối rắm mà Turtle Rock và Take-Two thực hiện, hình ảnh của trò chơi xuống dốc không phanh trong mắt những khách hàng tiềm năng của mình.

Kết quả là theo các thống kê, game chỉ bán được khoảng 300.000 bản đĩa trong tháng đầu tiên, một con số thua xa mức trung bình của các tựa game AAA. Hơn một năm sau ngày phát hành, game chuyển sang mô hình free to play dưới tên gọi mới “Evolve Stage 2,” rồi sau đó server của nó chính thức đóng cửa vào tháng 9/2018. Vậy nên dù sếp Take-Two Strauss Zelnick nói rằng mình xem Evolve là một trong những thương hiệu lâu dài tương tự GTA, BioShock và Red Dead, cho đến lúc này chúng ta chẳng hề thấy sự ra đời của một phiên bản tiếp theo.
Sau Evolve, Turtle Rock chỉ còn thực hiện một số tựa game VR cho Oculus, và phải đến The Game Awards 2020 vừa qua, họ mới quay lại với tầm mắt của game thủ PC khi công bố Back 4 Blood – một tựa game mà khi mới liếc qua, tác giả cứ tưởng đây sẽ là World War Z 2. Trong khi đó, Valve tự tay thực hiện và phát hành Left 4 Dead 2 vào năm 2009, và đại đa số game thủ đều đồng ý rằng người kế nhiệm này xuất sắc hơn nhiều.
Có cần Back 4 Blood?
Với lần trở lại này, rõ ràng là Turtle Rock đang muốn trở về với thể loại mà mình có kinh nghiệm thực hiện, và gửi gắm rất nhiều hi vọng vào trò chơi thông qua cái tên của nó: “trở lại lấy máu.” Game có một đoạn trailer cinematic trông rất hoành tráng, nhưng gameplay chưa thực sự thuyết phục: tương tác giữa zombie với các phát đạn trông thiếu ấn tượng, và tác giả không cảm nhận được sự “sướng mắt, đã tay” trong các video gameplay. Một số dấu hiệu đáng lo ngại khác cũng xuất hiện báo hiệu một kho hàng microtransaction sẽ tồn tại trong game, tuy nhiên bởi trò chơi chưa chính thức phát hành và tác giả chưa được tận tay thử súng, còn khá sớm để đưa ra kết luận về gameplay của Black 4 Blood.
Thay vào đó, tác giả muốn đặt ra một câu hỏi: liệu chúng ta có cần một tựa game như Back 4 Blood để lấp chỗ trống mà dòng game Left 4 Dead để lại hay không?
Gameplay của Back 4 Blood.
Đó là một câu hỏi mẹo. Vào thời điểm mà tác giả thực hiện bài viết này, Left 4 Dead 2 vẫn đang sống rất khỏe: có lúc các server của game phục vụ cho hơn 27.000 game thủ cùng một lúc, và trò chơi vẫn nằm trong top đầu những tựa game được chơi nhiều nhất trên Steam. Tác giả có thể tải game về và nhảy vào các cuộc chiến sinh tồn bất kỳ lúc nào mà không cần phải lo ngại chuyện chờ lâu hay không đủ team 4 người. Điều này cho thấy rằng không có “khoảng trống” nào để Back 4 Blood lấp vào, mà nó sẽ phải cạnh tranh với bản thân Left 4 Dead 2 của Valve và một loạt game cùng thể loại khác.
Thật vậy, đây là một thị trường đã khá chật chội bởi rất nhiều studio và thương hiệu lớn cố gắng chen chân vào kiếm ăn – chỉ riêng Warhammer (và Warhammer 40K) đã có 4 tựa game cùng thể loại này: Vermintide 1 & 2, Space Hulk Deathwing, Darktide. Ngoài ra còn có thể kể đến World War Z mà tác giả đang cày, hay những tựa game như Deep Rock Galactic, GTFO, Earth Defense Force 5, Killing Floor 2, Nazi Zombies Army, Strange Brigade, Earthfall,… Không ít game trong số này rất xuất sắc và đã gầy dựng được một cộng đồng fan đông đảo cho mình sau nhiều năm hoạt động, nên nếu Turtle Rock muốn Back 4 Blood chinh phục được game thủ, họ sẽ cần nhiều hơn là nhãn hiệu “game từ những người đã làm ra Left 4 Dead” mà Back 4 Blood đang vung vẩy hiện nay.

Và một vấn đề nữa có thể ảnh hưởng đến thành công của trò chơi: mức giá 60 USD của nó (hay 1 triệu đồng đối với game thủ Việt). Mức giá của trò chơi cũng rất chát tại nhiều quốc gia khác, chẳng hạn tại Brazil giá game là 279 real trong khi Cyberpunk 2077 là 199 real còn Left 4 Dead 2 là 21 real khi chưa sale. Nếu so sánh giá vào thời điểm ra mắt, Left 4 Dead 2 vẫn rẻ hơn nhiều khi nó chỉ có giá 45 USD vào năm 2009. Dĩ nhiên việc so sánh giá cả này chỉ mang tính tương đối bởi Left 4 Dead 2 đã 11 năm tuổi, nhưng quả thực cá nhân tác giả khó mà ủng hộ Back 4 Blood khi nhìn vào cái giá của trò chơi.
Đối với game thủ, khi phải lựa chọn giữa một tựa game mới chưa biết chất lượng thế nào từ một studio “lạ hoắc” đã rời mảng PC nhiều năm với một tựa game kinh điển, có rất nhiều màn chơi và một cộng đồng modder mạnh mẽ, hẳn rất nhiều người sẽ chọn sản phẩm của Valve. Đó là còn chưa tính đến các đợt sale: chỉ trong thời gian từ tháng 9/2018 đến nay, Valve đã 15 lần giảm giá Left 4 Dead 2 và tại Việt Nam, chúng ta có thể bỏ ra từ 24-30.000 đồng để nhận được cả Left 4 Dead 1, 2 và nhiều DLC khác hoàn toàn miễn phí.
Với những vấn đề trên, Back 4 Blood sẽ rất gian nan trong việc thuyết phục game thủ tìm đến với mình, chứ chưa kể đến việc thành công giữ chân họ và khiến họ móc bóp mua đồ ảo trong cửa hàng của trò chơi. Nói theo kiểu meme, Left 4 Dead là gã Chad đầy ưu điểm trên mình, trong khi Back 4 Blood chỉ là một virgin phải bước ra đời gánh theo nhiều điều tiếng xấu từ phụ huynh.