Nhờ vào những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ AI, các tựa game ngày nay trở nên hấp dẫn hơn và tham vọng hơn rất nhiều so với quá khứ.
Với đại đa số game thủ, khi nhắc đến AI (trí tuệ nhân tạo), họ sẽ nghĩ ngay đến những đối thủ do máy tính điều khiển mà mình cần đánh bại trong game hoặc những NPC đi lại khắp nơi, chỉ biết giao nhận nhiệm vụ theo những gì được lập trình sẵn. Đây là một điều hết sức bình thường bởi game thủ đã trải qua nhiều thập kỷ cùng những AI này, dù là cố gắng giải cứu công chúa Peach khỏi tay trùm rùa Bowser hay vượt qua AI trong một trò chơi tốc độ. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, AI bỗng mang một ý nghĩa mới trong làng game khi các nhà nghiên cứu phát triển những thuật toán mới có thể giúp việc làm game thú vị và dễ dàng hơn rất nhiều.
Cyberpunk 2077 đình đám và AI Jali
Tựa game Cyberpunk 2077 đang khiến game thủ thế giới phát cuồng là một trong những trò chơi được lợi ích từ sự phát triển của công nghệ AI – nếu không có AI, trò chơi có thể sẽ không ra mắt trong một thời gian dài nữa. Cụ thể, CD Projekt đã sử dụng một AI có tên Jali được phát triển bởi Jali Research, Canada. Sự hợp tác giữa CD Projekt và Jali Research là một sự tình cờ, khi các sếp CD Projekt đọc được một luận văn từ người sáng lập Jali Research là Pif Edwards vào năm 2016 tại hội thảo đồ họa máy tính thường niên SIGGRAPH.

Trước khi hợp tác cùng CD Projekt, Pif Edwards đang thực hiện luận án tiến sĩ trong ngành Khoa học máy tính. Ban đầu, ông chỉ muốn tập trung vào lĩnh vực chuyển động khuôn mặt nhưng sau đó chuyển sang nghiên cứu việc hội thoại bởi “khi con người bày tỏ cảm xúc, gần như luôn luôn có lời nói đi kèm.” Sau khi nghiên cứu những công cụ đang có trong lĩnh vực này, Pif không hài lòng và quyết định tự làm nên công cụ của riêng mình.
Sau khi luận văn của Pif ra đời, ông đem nó đến SIGGRAPH 2016 để trình bày và “lọt mắt xanh” của CD Projekt. Và thế là CD Projekt và Jali cùng hợp tác để phát triển một AI dựa trên máy học (machine learning) nhằm phục vụ cho Cyberpunk 2077. Nó sẽ được dùng để tạo ra chuyển động trên khuôn mặt của các nhân vật trong game khi họ nói chuyện (lip sync) mà không cần các animator phải bỏ công sức làm từng chút một.
Jali hỗ trợ việc phát triển game như thế nào?
Theo những gì CD Projekt từng công bố trước đây, Cyberpunk 2077 là một tựa game RPG cực kỳ nhiều đối thoại, với kịch bản dài hơn… 1 triệu chữ. Trò chơi cũng được lồng tiếng Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Nga, Ba Lan, Italia, Đức, Tây Ban Nha, Nhật, Trung Quốc, nên nếu dùng sức người để tạo chuyển động khuôn mặt cho từng câu thoại, có lẽ CD Projekt sẽ phải bỏ ra hàng triệu giờ để làm điều này cho một ngôn ngữ, chứ đừng nói là chục ngôn ngữ như đang có trong game.
Nhờ vào Jali, CD Projekt có thể cắt giảm đáng kể thời gian làm công việc này mà vẫn đạt được kết quả mong muốn, khi các nhân vật trong game có động tác nhép miệng hết sức phù hợp với thứ ngôn ngữ mà họ nói bất kể đó là tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hàn,… mà không cần quá nhiều công sức từ các animator. Đây là một điều rất hữu ích bởi nếu không có AI mà làm bằng sức người, ước tính một animator cần 7 giờ để hoàn thành động tác khuôn mặt cho một phút nói chuyện của nhân vật trong game.

Nguyên tắc hoạt động của AI Jali thật ra khá đơn giản: nó được “dạy” hình dạng của khuôn mặt khi người ta phát âm một âm tiết nào đó, và sau đó áp dụng các khuôn mặt này vào các nhân vật trong game để tạo ra lip sync thật chân thực. Điều này là chung cho mọi loại ngôn ngữ, và theo lời ông Pif Edwards thì “bất kể điều gì đang được diễn đạt, bất kể những sự khác nhau giữa các khía cạnh của ngôn ngữ, chúng tôi đều biết rõ hình dạng khuôn mặt khi phát ra một âm tiết nào đó sẽ ra sao.”
Dĩ nhiên là việc dạy cho AI Jali biết tất cả các hình dạng khuôn mặt của hàng chục ngôn ngữ mất rất nhiều thời gian, nhưng ít nhất thì nó chỉ cần được dạy một lần. Kết quả chúng ta nhận được là Cyberpunk 2077 khiến game thủ từ hàng chục quốc gia trên thế giới được chơi game với tiếng mẹ đẻ của mình và được thấy các nhân vật phát âm hết sức giống với những gì họ quen thuộc khi giao tiếp ngoài đời thực.
Những phương thức khả thi để ứng dụng AI vào game
Ban đầu, AI sẽ chỉ làm những công việc đơn giản, lặp đi lặp lại để giải phóng sức người vào những phần việc đòi hỏi sự sáng tạo hơn. Ngoài Jali được ứng dụng trong một tựa game đỉnh cao chuẩn đã được nhắc đến bên trên, chúng ta còn có một số AI khác đang được phát triển. NVIDIA, một trong các nhà sản xuất chip đồ họa hàng đầu thế giới cũng đang hợp tác với Phòng thí nghiệm Khoa học máy tính và AI tại Đại học Công nghệ Massachusetts để phát triển một AI gọi là Generative Adversaral Networks (GAN – tạm dịch: mạng lưới hệ thống đối nghịch) có khả năng dựng nên các thành phố giả tưởng nhưng trông hết sức chân thực. Bạn có thể xem tác phẩm của AI này trong video dưới đây:
Các dữ liệu được tạo ra GAN được lấy từ những dự án xe hơi tự lái ở nhiều thành phố khác nhau, và được phân tách thành nhiều mục nhỏ như nhà cửa, xe cộ, cây cối,… Sau đó, những dữ liệu này được nhập vào GAN và từ đây, AI có thể tổng hợp ra nhiều phiên bản khác nhau của những vật thể đó. Khi được ứng dụng thực tế, những AI như GAN có thể giúp tạo ra những tựa game thế giới mở với các thành phố độc nhất vô nhị mà không cần đội ngũ phát triển phải dày công đặt từng tòa nhà, thiết kế từng góc phố cho trò chơi.
Một ví dụ khác cho việc ứng dụng AI vào game là Microsoft Flight Simulator, tựa game có dung lượng… 2 triệu TB được Asobo phát triển và Microsoft phát hành vài tháng trước. Nhằm đem lại cho game thủ một trải nghiệm bay tuyệt vời với độ chính xác cao, trò chơi này dùng dữ liệu vệ tinh để tái tạo lại toàn bộ bề mặt Trái đất, từ thành phố, đồi núi, sông ngòi, biển cả, mây trời,…

Không một studio làm game nào có thể làm được điều này bằng sức người ngay cả khi họ được Microsoft đỡ đầu. Vì vậy, giải pháp mà Asobo lựa chọn là chỉ dùng sức người để tạo ra các địa danh nổi tiếng nhất, còn các khu vực hoang dã hay biển cả sẽ được tạo ra bằng AI Azure của Microsoft. AI này lấy dữ liệu độ cao trong các bức ảnh vệ tinh và tạo ra những địa hình có độ cao chuẩn xác, rồi áp cây cỏ, nhà cửa lên bề mặt địa hình.
Dù AI này không phải lúc nào cũng đúng (chẳng hạn nó biến Nhà Trắng thành bãi đậu xe hay điện Buckingham thành chung cư), sự hỗ trợ của Azure đã khiến một tựa game như Microsoft Flight Simulator trở thành khả thi, điều mà không ai có thể ngờ tới được khi công nghệ AI còn chưa phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện tại.
Nhưng đó chắc chắn chưa phải là tất cả những gì mà AI có thể làm được. Không sớm thì muộn, AI sẽ phát triển đủ mạnh để thay thế phần lớn sức người trong việc phát triển game. Ông Matthew Guzdial, một nhà nghiên cứu AI tại Đại học Alberta đang phát triển một AI có khả năng hợp tác cùng con người để tạo ra những tựa game mới từ con số không, chẳng hạn trò chơi kiểu Mario đơn giản mà bạn thấy trong video dưới:
AI của ông Matthew có được khả năng tạo ra trò chơi này nhờ được “xem” vô số giờ chơi những tựa game như Mario, Megaman, Kirby’s Adventure. Từ đây, nó đoán ra luật của các trò chơi đó và tạo ra một “đồ thị game” (game graph) chứa tất cả các thông tin cần thiết để phát triển một trò chơi. Từ đồ thị này, AI sẽ tạo ra những màn chơi mới theo đúng những điều luật mình biết.
Ông Matthew nói rằng mục tiêu của mình không phải là để thay thế các nhà phát triển game, mà đơn thuần chỉ nhằm mục tiêu mở rộng cánh cửa cho những người có mong muốn làm game. Với công cụ của ông, một game thủ có thể làm ra những màn chơi mới hoặc những tựa game mới mà không cần phải biết cách lập trình.
Và thế là nhờ những AI như Jali, GAN, Azure hay những dự án khác còn trong quá trình phát triển, game thủ sẽ có được những tựa game ngày càng đẹp mắt hơn, hấp dẫn hơn, tham vọng hơn. Quả là một quãng thời gian hết sức tuyệt vời để chơi game!